PV: Nhiều vụ tai nạn thang máy xảy ra liên tiếp thời gian qua do chất lượng thang máy và việc tuân thủ quy trình lắp đặt bảo dưỡng không được thực hiện đúng theo quy định. Theo luật sư, với các nguyên nhân trên thì việc quy trách nhiệm cho mỗi bên sẽ như thế nào?

LS Nguyễn Thanh Tùng: Trước hết cần hiểu là thang máy là một bộ phận của công trình xây dựng mà chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm về mọi hạng mục thi công công trình đó. Việc thiết kế, thi công thang máy phải đảm bảo bộ tiêu chuẩn Việt nam chẳng hạn như TCVN 6396-28:2013 Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy - Thang máy chở người và hàng và nó chỉ được đưa vào sử dụng khi đã được kiểm định kỹ thuật an toàn, khi sử dụng phải được kiểm tra định kỳ và kiểm tra trong quá trình sử dụng. Việc quy trách nhiệm khi xảy ra tai nạn thì phải điều tra để xác định lỗi thuộc về cơ quan nào.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, VPLS Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội

PV: Thưa luật sư, cần căn cứ vào điều luật nào để đền bù cho người bị hại khi sự cố thang máy xảy ra và ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù?

LS Nguyễn Thanh Tùng: Việc đền bù thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định rất rõ trong Bộ luật dân sự bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích.

Người có lỗi gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường nhưng trước khi điều tra làm rõ nguyên nhân thì doanh nghiệp trực tiếp quản lý, vận hành thang máy sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho người bị hại.

PV: Thưa luật sư, hiện nay có những nghị định và thông tư cụ thể nào về kiểm định thang máy trước khi đưa vào sử dụng?

LS Nguyễn Thanh Tùng: Theo tôi được biết thì ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 48/2016/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Thang máy điện không buồng máy – sau khi Bộ quy chuẩn QCVN 26:2016/BLĐTBXH đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định. Đây là bộ quy chuẩn sẽ được bắt buộc áp dụng từ ngày 01/08/2017.

Cũng theo khoản 5, điều 17, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ban hành ngày 22/08/2013 quy định: Nếu tổ chức hay cá nhân sử dụng thang máy mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Phạt từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu.

PV: Theo quy định, thang máy là một thiết bị công trình và yêu cầu là trước khi đưa vào công trình phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số tòa nhà chung cư khi bắt đầu hết thời kỳ bảo hành thì một loạt sự cố mới diễn ra. Trong hoàn cảnh đó, cư dân ở các khu nhà gặp sự cố thang máy phải làm gì?

LS Nguyễn Thanh Tùng: Trước hết cần thấy rằng pháp luật của chúng ta chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề này, khiến cho chế tài xử lý còn hạn chế, chưa đủ sức răng đe. Trong khi ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức trách nhiệm của một số chủ đầu tư, của nhà cung cấp, lắp đặt, vận hành đối với sản phẩm của mình còn chưa đủ tin cậy thì rõ ràng mỗi người dân vẫn nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng những kỹ năng sử dụng thang máy an toàn, chẳng hạn như: Suy nghĩ kỹ số tầng cần đến để chỉ nhấn một lần nút gọi tầng; Khi cabin thang máy đã quá đông người, thì chúng ta nên chờ lượt khác; Tuyệt đối không đi thang máy khi hỏa hoạn; Hãy nhìn sàn cabin, sàn tầng trước khi bước vào, bước ra thang máy; Đứng đủ xa vị trí cửa cabin để quần áo không vướng vào cửa thang máy…

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Vũ (thực hiện)